Lãnh đạo TP.HCM và Long An thống nhất nghiên cứu và đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối giữa hai địa phương trong thời gian tới. Đây là tin vui đối với người dân cũng như tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản khu vực trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm vừa cùng chủ trì buổi làm việc về nội dung liên quan đến môi trường và hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa phương, theo báo Long An.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Long An và TP.HCM có tất cả 21 vị trí kết nối phát triển hạ tầng giao thông.
Trong đó, UBND hai địa phương đã thống nhất 7 vị trí trọng điểm cần ưu tiên đầu tư phục vụ kết nối giao thông giữa các cụm công nghiệp, cảng hàng hải,… Từ đó, thúc đẩy phát triển KT - XH của hai bên.
Các vị trí bao gồm đường mở mới Tây Bắc và Đường tỉnh (ĐT)823D, đường Lê Văn Lương và ĐT826C, đường Nguyễn Văn Bứa và ĐT824, đường Long Hậu và ĐT826E, Quốc lộ 50B và ĐT827E (Trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang), đường Võ Văn Kiệt (nối dài) và Trục động lực Đức Hòa, Quốc lộ 50.
Theo lãnh đạo của hai địa phương, buổi làm việc lần này nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai các vấn đề liên quan đến môi trường và hạ tầng giao thông. Để từ đó, đề xuất những định hướng, thống nhất quan điểm và hướng giải pháp trọng tâm và có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Với vị trí thuận lợi kết nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long, dư địa phát triển còn lớn cùng nhiều chính sách mời gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh, Long An đang trở thành điểm đến của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có lĩnh vực Bất động sản.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, Long An vẫn đang được xem là “vùng trũng” về giá nếu so với các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương hay Đồng Nai. Bên cạnh đó, quỹ đất để phát triển đô thị của Long An đang rất dồi dào.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông vốn là “điểm yếu” của thị trường này, thì nay lại trở thành lực đẩy tăng giá mạnh khi hàng loạt dự án cao tốc, vành đai, đường kết nối được đầu tư. Trong khi ở Bình Dương, Đồng Nai hạ tầng gần như đã hoàn thiện nên tốc độ tăng giá nhà đất sẽ không lớn như ở Long An.
Để tháo gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng, tỉnh Long An đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng kết nối với TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Cụ thể, tuyến Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 75Km đi qua địa bàn TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án đã khởi công từ năm 2023 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ cuối năm 2025 đầu 2026.
Một dự án quy mô lớn khác là tuyến Vành đai 4 TP.HCM kết nối TP.HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương có tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng cũng đang được các địa phương phối hợp hoàn thiện thủ tục để sớm trình Quốc hội phê duyệt đầu tư.
Những tuyến vành đai này sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông, luân chuyển hàng hóa trong khu vực. Đồng thời, mở ra nhiều không gian mới để hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị vệ tinh quanh TP.HCM.
Theo Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025, hạ tầng giao thông Long An trong những tới sẽ được tập trung phát triển theo 6 trục động lực, kết nối liên vùng gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4: Kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ - TP.HCM; kết nối sân bay Quốc tế Long Thành - cảng Long An.
Trục động lực quốc lộ 50B: Kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Trục động lực song hành quốc lộ 62: Kết nối thành phố Tân An - khu kinh tế cửa khẩu Long An - vùng Đồng Tháp Mười.
Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh: Kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TP.HCM.
Trục động lực quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng đồng bằng sông Cửu Long - vùng Đông Nam Bộ - vùng Tây Nguyên.
Trục động lực Đức Hoà: Kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hoà, Bến Lức với TP.HCM.
Ngoài ra, sẽ xây mới 2 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn - Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới - Cần Đước.
Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ ra Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, TP.HCM
Hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư nâng cấp như Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa; Tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh.
Phong Vân
theo Baoquankhu7
Nguồn: cafeland.vn