Thủ tướng: Lãi vay mua nhà ở xã hội phải thấp hơn 3-5% lãi vay thông thường; Chính phủ đề xuất Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 6 tháng; Nên tạm dừng xây thêm khách sạn 4 - 5 sao ven biển.
Thủ tướng: Lãi vay mua nhà ở xã hội phải thấp hơn 3-5% lãi vay thông thường
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về tình hình triển khai, thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Mức lãi vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa thực sự hấp dẫn người mua nhà. Ảnh: Lê Toàn |
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, đến nay đã có 6 ngân hàng tham gia chương trình, số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng (gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn chỉ ra rằng, nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội vẫn còn thấp so với mục tiêu của đề án. Ngoài ra, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, gồm nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại nhà nước và ngoài nhà nước) để hỗ trợ cả người bán và người mua. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội đơn giản, thuận lợi hơn.
Chính phủ đề xuất Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 6 tháng
Tại Nghị quyết số 72 và 73 ngày 17/5, Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay vì 1/1/2025 như được thông qua tại Kỳ họp hồi đầu năm.
Để chính thức có hiệu lực sớm 6 tháng, các Nghị quyết này dự kiến được trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp thứ 7 sắp khai mạc từ 20/5.
Bộ ba luật mới được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản. Ảnh: Dũng Minh |
Trước đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất đưa Luật Đất đai 2024 vào thi hành sớm nhằm kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Cùng đó, việc này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đông Anh (Hà Nội) sắp có thêm khu đô thị thông minh 33.000 tỷ đồng
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã có thông báo tìm các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại huyện Đông Anh.
Dự án sẽ tọa lạc tại ở ba xã của huyện Đông Anh, bao gồm Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh. Khu đô thị có quy mô 268 ha với số lượng căn hộ dự kiến khoảng 12.833 căn. Khi được hoàn thành, đây dự kiến là nơi định cư của khoảng 38.500 người.
Tổng số vốn đầu tư sơ bộ của dự án là 33.093 tỷ đồng. Trong đó, số tiền dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến khoảng 2.090 tỷ đồng. Hiện khu đất này vẫn chưa giải phóng mặt bằng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án đến hết năm 2031. Doanh nghiệp quan tâm có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước ngày 29/6.
Trước mắt, Đông Anh cùng với Gia Lâm là hai huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trước năm 2025. Tuy nhiên, đây không phải là lợi thế duy nhất của huyện Đông Anh.
Cụ thể, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.
Thành phố phía Bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời, đây cũng sẽ là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao của Hà Nội.
Nghệ An kêu gọi đầu tư dự án khu nhà ở tại Cửa Lò
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vừa ban hành thông báo mời nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu nhà ở tại phường Nghi Thu và phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.
Theo đó, dự án có tổng diện tích là 15,65 ha, quy mô dân số 1.700 người. Sản phẩm dịch vụ cung cấp tại dự án này gồm nhà ở, đất ở, khu thương mại dịch vụ, nhà văn hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, bãi đỗ xe, khu cây xanh - thể dục thể thao.
Tổng chi phí thực hiện dự án rơi vào khoảng 900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 71 tỷ đồng.
Thời hạn thực hiện dự án không quá 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc ngày bàn giao đất và đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật.
Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thầu dự án này là trước ngày 10/6.
Đấu giá mảnh đất hơn 1.300m2 tại Hà Đông (Hà Nội)
Công ty đấu giá hợp danh Bảo Phong vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội.
Theo thông báo, tài sản đấu giá là thửa đất có diện tích 1.361,5 m2 tại phố Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Mức giá khởi điểm của thửa đất là hơn 52,6 tỷ đồng, số tiền đặt trước là 10,5 tỷ đồng.
Hạn cuối để đăng ký tham gia đấu giá là ngày 31/5. Thời gian tổ chức cuộc đấu giá là ngày 3/6 tại Công ty đấu giá Hợp danh Bảo Phong.
Đấu giá 44 lô đất tại một huyện sắp lên thành phố ở Hải Phòng
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hải Phòng và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thuỷ Nguyên sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 44 lô đất vào mục đích làm nhà ở tại huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng.
Theo thông báo, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở gồm 41 lô đất tại khu Láng Ruốc, xã Ngũ Lão và 3 lô đất tại Thôn 4, xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng. Mức giá khởi điểm của các lô đất dao động khoảng 14 - 15 triệu đồng/m2.
Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là ngày 27/5. Cuộc đấu giá được tổ chức vào ngày 30/5 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hải Phòng.
Nên tạm dừng xây thêm các khách sạn 4 - 5 sao ven biển
Theo Knight Frank, hiện lượng du khách hiện tại chỉ lấp đầy 1/3 phòng khách sạn 4 - 5 sao ven biển. Mỗi năm, phân khúc này đang ghi nhận gần 20 triệu phòng bị bỏ trống. Do đó, các chủ đầu tư nên tính đến việc tạm ngưng triển khai thêm dự án mới.
Ông Ben Gray, Giám đốc Thị trường vốn tại Knight Frank Việt Nam, cho rằng, nguy cơ thừa cung đang xuất hiện, với tỷ lệ lấp đầy phòng nghỉ thấp như ở Phú Quốc, hay xu hướng xây mới rầm rộ ở vịnh Hạ Long.
"Những địa điểm này đã xuất hiện tình trạng phát triển dự án khách sạn vô tội vạ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ngành du lịch cũng như bản thân dự án lại đang trong tình trạng cung vượt quá cầu", ông Gray nhận định.
Số phòng khách sạn 4 - 5 sao ven biển sẽ khó có thể được lấp đầy nhanh chóng trong một sớm một chiều. Trong năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, con số này cũng chỉ xấp xỉ mức trước dịch.
Nguồn: Baodautu.vn